Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có những sân bay nội địa sau.
Khu vực miền Băc
1. Sân bay Điện Biên Phủ
Cảng hàng không quốc tế Điện Biên Phủ là sân bay ở thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, có tọa độ 21°23’41’ ‘ vĩ Bắc, 103°00’10’ ‘ kinh Đông. Mã IATA của sân bay này là DIN.
Sân bay có một đường cất hạ cánh dài 183m, rộng 30m, bề mặt bê tông xi măng. Sân đỗ máy bay (apron) có diện tích 522m². Nhà ga hành khách rộng 2.400m².
2. Sân bay Nội Bài – Hà Nội
Sân bay quốc tế Nội Bài thuộc huyện Sóc Sơn, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 45km về phía Tây Bắc, là cảng hàng không quốc tế ở miền Bắc Việt Nam. Mã ICAO là VVNB. Sân bay này có một sân bay dự bị là Sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng).
Nơi đây là cửa ngõ giao thông quan trọng không chỉ của thủ đô Hà Nội mà còn của cả miền Bắc. Nó giữ vị trí lớn thứ hai trong toàn thể các sân bay của Việt Nam hiện nay, sau sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ở TP.HCM.
Tên giao dịch chính thức của sân bay Nội Bài là Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (Noi Bai International Airport). Sân bay này do Cụm cảng Hàng không phía Bắc (NAA), một cơ quan của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam quản lý.
Sân bay quốc tế Nội Bài, nguyên là một căn cứ không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam. Ngày 28/02/1977, Tổng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam đã ra quyết định thành lập sân bay quốc tế Nội Bài ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đến ngày 2/1/1978, sân bay chính thức mở cửa hoạt động và đón chuyến bay quốc tế đầu tiên hạ cánh. Năm 1995 nhà ga hành khách T1 được xây dựng và khánh thành vào tháng 10/2001.
Tọa độ sân bay ở 21°13’18 vĩ Bắc, 105°36’16 kinh Đông.
Sân bay có hai đường băng để cất cánh và hạ cánh: Đường 1A dài 3.200m, đường 1B dài 3.800m, xây dựng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (tên viết tắt bằng tiếng Anh là ICAO). Có 3 sân đỗ máy bay A1, A2, A3 với tổng diện tích 165.224m² và một nhà ga hành khách T1 với tổng diện tích 90.000m².
Nhà ga T2 đang được xây dựng có 4 tầng, tổng diện tích sàn 90ha. Công trình đã chính thức khởi công. Dự kiến tổng kinh phí đầu tư khoảng 31 tỉ yên. Theo quy hoạch chung đến năm 2010, nhà ga T2 sẽ đi vào hoạt động.
Vào tháng 2/2006 vừa qua, phía Nhật Bản đã đề nghị một dự án xây dựng một tuyến đường sắt nối Hà Nội với sân bay, có sử dụng cầu Thăng Long. Chi tiết của dự án đã hoàn thiện và hiện đang triển khai các bước tiếp theo. Sau khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ rút ngắn khoảng cách từ Nội Bài về Hà Nội một cách đáng kể.
Sân bay quốc tế Nội Bài đạt công suất 15-20 triệu hành khách năm, trở thành một trong những trung tâm vận tải hàng không trong khu vực.
Phí sân bay cho các chuyến bay quốc tế là 14 USD. Có thể đi từ sân bay Nội Bài về Hà Nội bằng taxi 4 chỗ, 7 chỗ (giá từ 150.000VND), MiniBus 12 chỗ (giá 22.000VND) hoặc xe buýt (5.000VND) hoặc đi xe ôm (khoảng 50.000VND).
3. Sân bay Cát Bi – Hải Phòng
Sân bay Cát Bi là một sân bay cấp III, thuộc thành phố Hải Phòng, miền Bắc Việt Nam. Sân bay nằm cách trung tâm thành phố 5 km. Mã ICAO: HPH.
Chiều dài đường cất hạ cánh: chính 2.400m, phụ: 1.500m. Chiều rộng đường cất hạ cánh: chính 50m, phụ 15m. Kích thước đường lăn chính: 1.600×15(m). Kết cấu đường cất hạ cánh: bê tông xi măng, bê tông nhựa. Sân đỗ máy bay: 3 chiếc. Sân chứa máy bay: 80 chiếc.
Sân bay này có tể tiếp nhận các loại máy bay lớn như Boeing 767-300 ER, B777, B747-400, Airbus 320…
Sân bay Cát Bi có hướng nâng cấp, cải tạo thành sân bay cấp I và là sân bay quốc tế trong khu vực.
4. Sân bay Nà Sản – Sơn La
Sân bay Nà Sản (mã IATA: SQH, mã ICAO: VVNS) là một sân bay ở thị xã Sơn La, tỉnh Sơn La, Tây Bắc Việt Nam. Hiện nay sân bay này tạm đóng cửa để nâng cấp .
5. Sân bay Vinh – Nghệ An
Cảng hàng không Vinh là sân bay ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, có tọa độ 18°44’44’ ‘ vĩ Bắc, 105°39’50’ ‘ kinh Đông. Mã IATA là VII (theo tên của thành phố Vinh).
Sân bay này do Cụm cảng hàng không miền Bắc (NAA), một cơ quan của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, quản lý.
Sân bay có một đường cất hạ cánh dài 2400m, rộng 45m, bề mặt bê tông at-phan. Sân đỗ máy bay (apron) có diện tích 30.000m². Nhà ga hành khách rộng 2400m².
Sắp tới sân bay này sẽ được nâng cấp và mở thêm một số tuyến bay mới, như Vinh – Đông Bắc Thái Lan. Chính phủ dự kiến sẽ mở rộng sân bay Vinh thành sân bay quốc tế với quy mô lớn, mở các tuyến bay đi Trung Quốc, Đông Bắc Á và các nước khác.
6. Sân bay Sao Vàng – Thanh Hóa
Sân bay Sao Vàng, mã sân bay IATA là THD, vốn là một sân bay quân sự ở thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, 45 km về phía tây thành phố Thanh Hóa. Sân bay này có một đường băng dài 3200 mét. Đến thới điểm năm 2012, sân bay này chỉ sử dụng cho hoạt động quân sự. Theo đề án cải tạo để chuyển sân bay này thành sân bay hỗn hợp quân sự-dân dụng của Chính phủ Việt Nam. Kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh Thanh Hóa. Dự kiến sân bay sẽ đi vào hoạt động trước tết Quý Tị năm 2013.
Hãng hàng không đầu tiên dự đinh khai thác đường bay đến Sao Vàng là Vietnam Airlines, bằng máy bay Airbus 320- 321 hoặc tương đương. Sau khi khánh thành, Sao Vàng là sân bay dự bị cho Hà Nội khi cần thiết.
Khu vực miền Trung
7. Sân bay Đồng Hới – Quảng Bình
Sân bay Đồng Hới hay Cảng Hàng không Đồng Hới là sân bay thuộc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Mã sân bay IATA là VDH.
Thực dân Pháp xây dựng sân bay này vào thập niên 1930 với đường băng làm bằng đất. Trong giai đoạn 1930 – 1954, thực dân Pháp sử dụng sân bay này để tấn công quân Việt Minh ở khu vực Bắc Trung Bộ và bắn phá Nam Lào. Đến giai đoạn 1960 – 1975, quân đội miền Bắc Việt Nam lại dùng để trung chuyển vũ khí, đạn dược, quân nhân vào chiến trường miền Nam. Sau 1975, sân bay Đồng Hới được sử dụng cho trực thăng quân đội và cứu hộ thiên tai nhưng không thường xuyên và gần như bỏ hoang.
Sân bay này được cho xây dựng lại vào ngày 30/8/2006 và đưa vào sử dụng ngày 18/5/2008 tại Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Sân bay nằm về phía Bắc, cách trung tâm Đồng Hới 6km, gần giáp bờ Biển Đông và có đường băng gần như song song với quốc lộ 1A. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch mở rộng sân bay này để có thể đón các loại máy bay cỡ lớn hơn.
Đường băng sân bay dài 2,4 km, rộng 45m, theo tiêu chuẩn 4D của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), công suất 300 khách/giờ cao điểm, năng lực phục vụ 500.000 khách/năm. Sân bay Đồng Hới có thể tiếp nhận các máy bay tầm trung Airbus 320, Airbus A321 hoặc tương đương. Đây là một trong những sân bay chính của khu vực Bắc Trung bộ.
Việc mở rộng phát triển sân bay này sẽ giúp tỉnh Quảng Bình có điều kiện để phát triển toàn diện cơ cấu kinh tế của minh. Sân bay này cũng giúp đưa con đường di sản miền Trung như: Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An và Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đến với thế giới qua con đường phát triển du lịch.
8. Sân bay Chu Lai – Quảng Nam
Sân bay Chu Lai là sân bay ở tỉnh Quảng Nam, nằm trong khu kinh tế mở Chu Lai. Mã IATA là VCL.
Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, đây là Căn cứ không quân Chu Lai của Không lực Việt Nam Cộng Hòa và Không lực Hoa Kỳ.
Ngày 22/2/2004, nhà ga hành khách được khởi công xây dựng. Ngày 22/3/2005, chuyến bay thương mại đầu tiên từ Tân Sơn Nhất đã hạ cánh xuống đây.
Sân bay Chu Lai có diện tích lớn nhất trong các sân bay Việt Nam, với 3.000ha, đường băng dài 3.050m. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sắp tới sân bay này sẽ được đầu tư 11.000 tỷ đồng để trở thành sân bay vận chuyển hàng hóa quốc tế. Với mức độ đầu tư như vậy, sân bay Chu Lai sẽ có công suất thiết kế 4 triệu lượt khách và 5 triệu tấn hàng mỗi năm.
9. Sân bay Đà Nẵng
Sân bay quốc tế Đà Nẵng nằm ở quận Hải Châu, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 5km, là điểm bay quan trọng của cả khu vực miền Trung Việt Nam.
Tên giao dịch chính thức là Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng (Danang International Airport). Sân bay này do Cụm Cảng Hàng không miền Trung, một cơ quan của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam quản lý.
Sân bay được xây dựng từ năm 1940. Trong thời gian chiến tranh Việt Nam cho đến 1975, sân bay Đà Nẵng là Căn cứ Không quân của quân đội Mỹ và Không lực Việt Nam Cộng Hòa.
Cảng hàng không quốc Đà Nẵng có hai đường băng cất hạ cánh, được lắp đặt các trang thiết bị hiện đại (đèn tín hiệu; các hệ thống phù trợ dẫn đường và hạ cánh chính xác- ILS, DVORDME, NDB; các hệ thống radar sơ cấp-thứ cấp hiện đại; các hệ thống quan trắc và phát tin dự báo khí tượng, hệ thống thường trực khẩn nguy…) có khả năng phục vụ các loại máy bay thương mại cỡ lớn như Boeing 747, Boeing 777, Airbus A340, Airbus A330, Antonov 124… cất, hạ cánh trong mọi điều kiện thời tiết..
Sân bay quốc tế Đà Nẵng là một trong ba cảng hàng không của Việt Nam có cửa khẩu quốc tế. Năm 2007, sân bay này đã phục vụ 1,45 triệu khách thông qua, xếp thứ 3 sau Tân Sơn Nhất – TP.HCM: 11 triệu, Nội Bài – Hà Nội: 6 triệu.
Hiện có 3 hãng hàng không nội địa và 4 hãng hàng không quốc tế có đường bay đến sân bay quốc tế Đà Nẵng. Sắp tới đây, khi mà 2 hãng hàng không VietJetAir và Air Speed Up đi vào hoạt động, sân bay này có thể đón hơn 2 triệu khách/năm.
Nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng đang được xây dựng. Việc xây dựng sẽ kéo dài trong 2 năm (đến năm 2010). Sau khi hoàn thành, cùng với nhà ga hiện tại, sân bay này sẽ có năng lực đón tiếp 6 triệu khách/năm, tiếp nhận 400.000-1 triệu tấn hàng/năm. Lúc đó, sân bay Đà Nẵng sẽ là cảng hàng không trung chuyển trong khu vực .
10. Sân bay Phú Bài – Huế
Sân bay quốc tế Phú Bài thuộc thị trấn Phú Bài, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế nằm cách thành phố Huế 15km về phía Nam . Mã IATA là HUI. Tọa độ: 16°24′06″N, 107°42′10″E.
Sân bay quốc tế Phú Bài được xây dựng từ thời thực dân Pháp. Ngày 16/8/2007, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sân bay Phú Bài trở thành sân bay quốc tế thứ 4 tại Việt Nam (chính thức công bố vào ngày 1/9/2007).
Sân bay quốc tế Phú Bài hiện có đường băng dài 2.800m, rộng 45m; có đèn chiếu sáng phục vụ các chuyên bay đêm; có thể tiếp nhận các máy bay tầm trung như Airbus A320, Boeing 747. Sân bay này xếp thứ 4 tại Việt Nam về số lượng. Dự kiến đến năm 2010, số lượng khách thông qua sân bay này sẽ vượt quá 1 triệu người.
11. Sân bay Cam Ranh – Khánh Hòa
Sân bay quốc tế Cam Ranh cách Nha Trang 30km là sân bay dân sự chính phục vụ Cam Ranh và Nha Trang. Mã IATA là CXR. Tọa độ 11°59′53″N, 109°13′10″E.
Sân bay Cam Ranh do quân đội Hoa Kỳ xây dựng và là căn cứ Không quân Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Năm 1973, sau Hiệp định Paris, Hoa Kỳ trao căn cứ này lại cho Không lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau 1975, sân bay Cam Ranh tiếp tục được sử dụng vào mục đích quân sự cho tới năm 2004. Đến ngày 19/5/2004, sân bay Cam Ranh đón chuyến bay dân sự đầu tiên, bay từ Hà Nội thay thế cho sân bay Nha Trang nằm trong nội thị thành phố bị hạn chế về diện tích và vì lý do an toàn.
Ngày 16/8/2007, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định nâng cấp Cảng Hàng không Cam Ranh trở thành Cảng Hàng không Quốc tế (cùng với sân bay Phú Bài – Huế). Năm 2007, sân bay này phục vụ khoảng 500.000 khách, xếp thứ 5 trong các sân bay tại Việt Nam. Từ tháng 6/2008, sân bay có thể phục vụ các chuyến bay ban đêm.
12. Sân bay Pleiku – Gia Lai – Tây Nguyên
Sân bay Pleiku là một sân bay nhỏ tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Tây Nguyên do Cụm cảng Hàng không miền Trung quản lý. Mã IATA là PXU. Mã ICAO là VVPK.
Sân bay có đường băng dài 1.817m có thể tiếp nhận những máy bay tầm ngắn như ATR72.
13. Sân bay Phù Cát – Bình Định
Sân bay Phù Cát là một sân bay nhỏ nằm ở Bình Định do Cụm Cảng Hàng không miền Trung quản lý. Mã IATA là UIH. Mã ICAO là VVPC
14. Sân bay Đông Tác – Tuy Hòa – Phú Yên
Sân bay Đông Tác thuộc thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Trước năm 1975, đây là căn cứ không quân quan trọng của Không lực Hoa Kỳ.
Hiện nay, các chuyến bay xuất phát từ sân bay này đều sử dụng loại máy bay tầm thấp do Âu Châu sản xuất là ATR 72 với động cơ cánh quạt và sức chứa 60 chỗ ngồi. Sân bay có 3 đường cất hạ cánh (2.835m, 844m và 2.900 m).
Theo quy hoạch phát triển của Cục cảng Hàng không dân dụng Việt Nam, đến năm 2015 sân bay Tuy Hòa sẽ trở thành một sân bay quan trọng có thể đón được các loại máy bay tầm trung của Boeing hay Airbus A320.
(Còn tiếp)